Binh lực và kế hoạch Trận_phòng_thủ_Luga

Quân đội Đức Quốc xã

Ngay từ ngày 30 tháng 7 năm 1941, Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã đã ra Chỉ thị số 34 giao nhiệm vụ đặc biệt cho Cụm tập đoàn quân "Bắc" (Đức) không chỉ bao vây, đánh chiếm Leningrad mà còn bao hàm cả nhiệm vụ tiến ra eo đất Karelia để nối liên lạc với quân đội Phần Lan. Khoản 1 của chỉ thị này viết:

Để tiếp tục cuộc tấn công tại khu vực phía Bắc của mặt trận phía Đông, cần tiến hành các đòn đánh trên chính diện khu vực hồ Ilmen, bao vây Leningrad và thiết lập liên lạc với quân đội Phần Lan. Cuộc tấn công này có chiều sâu từ hồ Ilmen đến Volkhov và tấn công cả ở mặt Bắc lẫn mặt Nam để tiến sâu sang phía Đông hồ này. Cánh phải của cụm tập đoàn quân sẽ phát triển lên phía Bắc, hình thành một cánh cung lớn. Tất cả những lực lượng không tham gia vào các đòn tấn công ở phía Nam hồ Ilmen cần chuyển giao cho cánh Bắc. Trước khi kế hoạch bắt đầu cần phục hồi Tập đoàn quân xe tăng 3 để nó không mất quá nhiều thời gian bước vào tham chiến tại vùng hồ Valday. Thay vào đó, cánh trái của Cụm tập đoàn quân "Trung tâm" sẽ phát triển lên hướng Đông Bắc để khép chặt sườn với cánh phải của Cụm tập đoàn quân "Bắc".
— OKW.[2]

Thực hiện chỉ thị trên, thống chế Wilhelm von Leeb đã ra lệnh bố trí lại các lực lượng Đức Quốc xã tấn công vào phòng tuyến Luga như sau:

  • Cụm "Bắc" do tướng Georg-Hans Reinhardt chỉ huy gồm có:
    • Quân đoàn xe tăng 41 có các sư đoàn xe tăng 1, 6, 8, Sư đoàn cơ giới 36 và Sư đoàn bộ binh 1.
    • Quân đoàn bộ binh 38 sử dụng cánh trái tham gia cụm này có Sư đoàn bộ binh 58.
  • Cụm Luga do tướng Erich von Manstein chỉ huy gồm có:
    • Quân đoàn cơ giới 56 có Sư đoàn xe tăng 3, Sư đoàn cơ giới SS ""Polizei" và Sư đoàn bộ binh 269.
  • Cụm Shimsk do tướng Kuno-Hans von Both chỉ huy gồm có:
    • Quân đoàn bộ binh 1 có các sư đoàn bộ binh 11, 22 và 126.
    • Quân đoàn bộ binh 28 có các sư đoàn bộ binh 21, 122, Sư đoàn cơ giới SS "Totenkopf" và Sư đoàn dự bị 96.

Tại cuộc họp Bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân "Bắc" ngày 1 tháng 8, cắc tướng Erich Höpner, Erich von MansteinGeorg-Hans Reinhardt đã nhất trí đánh giá khu vực từ ven hồ Ilmen đến Chudovo đều là địa hình thấp, lầy lội nên rất khó sử dụng xe tăng tại đây. Ngược lại, khu vực phía Bắc từ Kingisepp đến Krasnogvardeysk, nơi có con đường sắt ven Baltic chạy qua có mạng lưới giao thông phát triển hơn. Do đó, cần bố trí các sư đoàn xe tăng tấn công trên hướng này.[4] Do phải mất thêm thời gian chuyển quân từ cánh phải sang và vượt qua vùng rừng - đầm lầy giữa sông Narva và sông Luga, cuộc tấn công của Tập đoàn quân 16 (Đức) bị hoãn lại từ ngày 22 tháng 7 đến ngày 6 tháng 8.[5]

Tuy nhiên, trong quá trình chiến dịch, ngày 25 tháng 8 năm 1941, cánh phải của Tập đoàn quân xe tăng 4 và cánh trái của Tập đoàn quân 16 bẻ gãy cuộc phản công của quân đội Liên Xô ở khu vực Staraya Russa, một lỗ hổng lớn trong tuyến phòng thủ của quân đội Liên xô đã xuất hiện trên hướng Shimsk - Chudovo. Lợi dụng cơ hội này, thống chế Wilhelm von Leeb đã thuyết phục được Bộ Tổng tham mưu lục quân Đức điều động Quân đoàn cơ giới 39 từ Tập đoàn quân xe tăng 3 đến tham gia tấn công và tạo ra một mũi tấn công thứ hai có xe tăng mở đường để chọc thủng tuyến phòng thủ Luga của quân đội Liên Xô ở phía Bắc hồ Ilmen.

Quân đội Liên Xô

Phòng tuyến Luga của quân đội Liên Xô được thiết lập ngay từ khi quân Đức đang tấn công trên hướng Pskov. Hai cụm phòng thủ được thành lập trên bờ Đông sông Luga từ Narva đến Batetsky và một cụm phòng thủ được thiết lập ở khu vực phía Đông hồ Ilmen. Trận phản công Soltsy của Tập đoàn quân 11 (Liên Xô) mặc dù không thành công nhưng đã giành thêm thời gian cho Bộ tư lệnh mặt trận hướng Tây Bắc (Liên Xô) tổ chức tuyến phòng thủ Luga. Binh lực gồm có:

  • Tuyến đầu:
    • Cụm Luga do thiếu tướng A. N. Astanin chỉ huy, trong thành phần có:
      • Bộ binh: Quân đoàn 41 (gồm các sư đoàn 111, 177 và 235); Trung đoàn 1 của Sư đoàn dân quân 3, các tiểu đoàn súng máy độc lập 260 và 262.
      • Pháo binh: Trung đoàn pháo nòng dài 541 và Lữ đoàn pháo binh khu vực Luga (không có phiên hiệu).
      • Thiết giáp: Sư đoàn xe tăng 24.
    • Cụm Kingisepp do thiếu tướng V. V. Semashko chỉ huy, trong thành phần có:
      • Bộ binh: Các sư đoàn chính quy 90 và 191; các sư đoàn dân quân 2 và 4; Trung đoàn học viên Trường bộ binh S. M. Kirov, Cụm phòng thủ khu vực số 21.
      • Pháo binh: Các trung đoàn pháo chống tăng 14 và 94; Trung đoàn pháo nòng dài 519.
      • Thiết giáp: Sư đoàn xe tăng 1 và Đoàn tàu hỏa bọc thép 60.
    • Tập đoàn quân 48 (nguyên là Cụm phòng thủ Novgorod 1) do trung tướng S. D. Akimov chỉ huy. thành phần gồm có:
      • Bộ binh: Các sư đoàn 128 và 311, Lữ đoàn bộ binh sơn chiến 1 và Trung đoàn độc lập 170.
      • Pháo binh: Trung đoàn lựu pháo 541.
      • Thiết giáp: Sư đoàn xe tăng 21.
Cuối thiến dịch, Tập đoàn quân 48 bị đánh tan. Các đơn vị còn lại của nó được tổ chức thành Cụm chiến dịch Novgorod 2 với sự bổ sung Sư đoàn xe tăng 28.
  • Tuyến sau:
    • Cụm chiến dịch Neva do trung tướng P. S. Pshennikov chỉ huy, thành phần gồm có:
      • Bộ binh: Sư đoàn bộ binh 115, Sư đoàn cảnh vệ 1 NKVD; Lữ đoàn hải quân đánh bộ 4, các tiểu đoàn 1, 4, 5 của Bộ chỉ huy thành phố Leningrad.
      • Pháo binh: Trung đoàn pháo nòng dài 1577; Trung đoàn lựu pháo 230; Tiểu đoàn pháo chống tăng độc lập 24; tiểu đoàn súng cối độc lập 20.
    • Cụm chiến dịch Novgorod 2 do trung tướng I. T. Korovnikov chỉ huy, thành phần bao gồm tàn quân của Tập đoàn quân 48 và Sư đoàn xe tăng 28.
Tham gia phòng thủ trên hướng Narva ở phía Bắc hồ Chudskoye còn có Quân đoàn bộ binh 11 thuộc Tập đoàn quân 8.
  • Lực lượng dự bị mạnh nhất của quân đội Liên Xô trên hướng này là Tập đoàn quân 34 do thiếu tướng K. M. Kachanov chỉ huy mới được điều động từ Moskva đến ngày 3 tháng 8 năm 1941 theo Chỉ thị số 00733 của STAVKA, gồm có:
    • Bộ binh: Các sư đoàn 163, 245, 257, 259 và 262.
    • Kỵ binh: Sư đoàn 25.
    • Thiết giáp: Trung đoàn cơ giới 3, các tiểu đoàn xe tăng độc lập 108 và 112.
    • Pháo binh: Các trung đoàn lựu pháo 264 và 644, các trung đoàn pháo chống tăng 171 và 759.
Tuy nhiên, Bộ tư lệnh hướng Tây Bắc (Liên Xô) không bố trí tập đoàn quân này trên tuyến phòng thủ Luga mà bố trí nó xen giữa Tập đoàn quân 11 và Tập đoàn quân 27, bên sườn phải của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đang tấn công trên hướng Luga.

Ý đồ của Bộ tư lệnh hướng Tây Bắc (Liên Xô) là khi Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) bị hút từ về hướng Luga và bị cầm chân trên tuyến sông này, các tập đoàn quân 11, 34 và 27 trên hướng Staraya Russa sẽ giáng một đòn phản công mạnh vào sườn phải của Tập đoàn quân xe tăng 4. Nguyên soái K. E. Voroshilov tin tưởng rằng đòn công kích từ phía sau không những sẽ buộc Cụm tập đoàn quân "Bắc" (Đức) phải chia sẻ lực lượng để đối phó mà còn tạo cơ hội hất quân Đức ra xa phòng tuyến Luga.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_phòng_thủ_Luga http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://militera.lib.ru/db/halder/1941_08.html http://militera.lib.ru/h/engineers/03.html http://militera.lib.ru/h/isaev_av5/01.html http://militera.lib.ru/h/kovalchuk_vm/01.html http://militera.lib.ru/h/leningrad/01.html http://militera.lib.ru/h/perechnev_ug/05.html http://militera.lib.ru/h/ww2_german/10.html